.
.

Xuất khẩu dệt may dẫn đầu, nhưng còn nhiều nỗi lo

Thứ Hai, 17/09/2012|16:21

8 tháng qua, mặc dù các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam như Mỹ, EU… còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nợ công ở châu Âu, nhưng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành vẫn dẫn đầu cả nước với 9,7 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, một số doanh nghiệp nhỏ vẫn thiếu đơn hàng, việc làm cho người lao động.

dmdmdm
Xuất khẩu dệt may sang một số thị trường chính vẫn duy trì tăng trưởng.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng 8 đạt 1,45 tỷ USD. Xuất khẩu sang một số thị trường chính vẫn tăng trưởng, trong đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm đạt 4,2 tỷ USD (tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái), sang Nhật Bản đạt trên 1 tỷ USD (tăng trên 23%) và sang Hàn Quốc đạt 452 triệu USD (tăng trên 19%). Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường EU đạt 1,3 tỷ USD, giảm gần 4%. Hiện nay, các doanh nghiệp ngành dệt may, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn trong việc thu xếp vốn và tìm kiếm đơn hàng để phát triển sản xuất. Không có đơn hàng, thu nhập sụt giảm, người lao động thường bỏ việc để đi tìm việc làm khác có thu nhập tốt hơn, làm các doanh nghiệp thêm khó khăn về nguồn nhân lực. Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty cổ phần Dệt 10 -10 Dương Văn Bình cho biết, hiện nay số lượng đơn hàng của công ty nhận được đã tăng hơn so với các tháng đầu năm, nhưng lại đối mặt với tình trạng mất một số đơn vị sản xuất vệ tinh và thiếu lao động. Theo ông Bình, 5 tháng đầu năm làm cầm cự, nên công ty đã mất một số vệ tinh. Từ 100 đơn vị vệ tinh giờ chỉ còn 39 đơn vị. Bây giờ có đơn hàng giao cho những đơn vị này nhưng không làm được vì thiếu lao động.

Một khó khăn khác theo như lời của Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên Nguyễn Xuân Dương đó là, không chỉ thiếu đơn hàng các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cũng lo lắng khi chính sách ân hạn thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu có thể bị hủy bỏ sẽ làm cho việc duy trì sản xuất càng trở nên khó khăn hơn trong khi một vài tháng tới thị trường tiêu dùng hàng dệt may thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi. Mặc dù, 8 tháng qua, doanh thu của công ty đạt gần 1.200 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 83 triệu USD, đạt gần 70% so với kế hoạch năm, nhưng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Để tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ cho ngành dệt may được miễn giảm hẳn thuế giá trị gia tăng trong vòng từ 3 - 6 tháng, đồng thời, tăng tỷ lệ được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất khẩu từ 10% hiện tại lên 15% nhằm kích cầu tiêu thụ sản phẩm cả xuất khẩu lẫn nội địa. Các doanh nghiệp ngành dệt may cũng đang kỳ vọng, việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành công để hàng dệt may của Việt Nam có cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ (có thể được giảm thuế từ 16 - 18%, thậm chí có những mặt hàng sẽ được hưởng thuế suất 0%).

Từ nay đến cuối năm, theo Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung, khâu quan trọng nhất cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, đó là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương tiến thương mại. Đặc biệt lúc này, bên cạnh thị trường truyền thống, phải mở thêm các thị trường khác, nâng cao chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại chuẩn bị trước về thông tin khách hàng, nguồn hàng, khả năng cung cấp…

Cũng theo bà Đặng Phương Dung, doanh nghiệp dệt may có lợi thế là nguồn vốn lưu động không quá khó khăn so với các ngành khác, vì làm gia công nhiều, tận dụng nguyên phụ liệu do nước ngoài cung cấp. Hơn nữa, doanh nghiệp dệt may xuất khẩu thu được ngoại tệ nên có thể  vay ngoại tệ với lãi suất cạnh tranh hơn so với tiền đồng Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn đối với ngành dệt may là nguồn vốn cho trung và dài hạn. Nếu không đầu tư để giải quyết những điểm yếu của ngành về nguyên liệu, phụ liệu, cũng như đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động, năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu thì về lâu dài sẽ bị giảm sức cạnh tranh.

                                                                                                                                        ĐBND

 

.
.
.
.