.
.

TẬP ĐOÀN DỆT MAY VIỆT NAM:

Chủ động nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ Hai, 06/02/2017|16:24
Quá trình tăng trưởng xuất khẩu dệt may Việt Nam gắn với các Hiệp định thương mại quốc tế: năm 2001, kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam đạt 2 tỷ USD, nhờ có Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ mà sau đó kim ngạch xuất khẩu Dệt May Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 1 tỷ USD/năm, đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2006; tiếp đó, nhờ có việc gia nhập WTO và các FTA ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trung bình 2 tỷ USD/năm, kể cả trong giai đoạn suy thoái kinh tế 2008-2009, đạt mức 26,8 tỷ USD vào năm 2015.
Ngày 16/1/2017 tại Hà Nội, với sự chứng kiến của hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Shinzo Abe Vinatex đã ký Thỏa thuận đối tác giao thương với Tập đoàn Itochu (Nhật Bản).
Ngày 16/1/2017 tại Hà Nội, với sự chứng kiến của hai Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Shinzo Abe, Vinatex đã ký Thỏa thuận đối tác giao thương với Tập đoàn Itochu (Nhật Bản).
Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, ngành Dệt May Việt Nam nói chung, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nói riêng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng, những cơ hội tiềm năng cũng như những thách thức khi Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế. 
Cơ hội trước hết có thể kể đến là ưu đãi về thuế quan. Mức thuế suất trung bình mà Mỹ, EU, Nga, Hàn Quốc đang áp dụng đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam lần lượt là 17%, 12%, 10%, 8% sẽ có lộ trình để được cắt giảm dần về 0%. Ưu đãi này tạo tiền đề cho ngành Dệt May Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tăng quy mô, các FTAs hiện nay như VKFTA, TPP, EVFTA sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam có những bứt phá về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 ước đạt 36-38 tỷ USD, đến năm 2030 ước đạt 64-67 tỷ USD.
IPO Vinatex
Sáng ngày 22/9/2014, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức đấu giá cổ phần phát hành ra công chúng lần đầu (IPO). 

Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư hoàn thiện Chuỗi cung ứng, trong năm 2015, ngành dệt may thu hút khoảng 100 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD, đây là khoản vốn đầu tư cao kỷ lục từ trước tới nay. Ngoài ra ngành Dệt May Việt Nam có cơ hội phát triển sang các thị trường mới như Nga, Úc, New Zealand, Canada. Tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội thông qua việc tuân thủ những quy tắc, quy định trong các Hiệp định như lưu trữ hồ sơ, quản trị chuỗi cung ứng, quản trị sản xuất năng lực và quản trị doanh nghiệp nói chung. Với việc tăng quy mô xuất khẩu, hoàn thiện Chuỗi cung ứng, phát triển sang các thị trường mới và tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, ngành Dệt May Việt Nam sẽ dần dịch chuyển lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững.

Cùng với những thời cơ, thuận lợi, ngành Dệt May Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn như: Đảm bảo quy tắc xuất xứ (QTXX) và các yêu cầu tuân thủ khác như “từ vải trở đi”, “từ sợi trở đi” đòi hỏi quá trình tuân thủ, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, chuyên nghiệp thì doanh nghiệp Dệt May mới được hưởng lợi. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Tập đoàn còn phải chịu sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong nước và FDI, dẫn đến thiếu hụt lao động chất lượng cao, đặc biệt trong khâu Dệt nhuộm. Các nước cạnh tranh về xuất khẩu dệt may như Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ… được chính phủ đưa ra nhiều chính sách thu hút đơn hàng, khách hàng dệt may. Tổng cầu dệt may trên toàn thế giới tăng trưởng chậm, sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản giảm. Tình hình kinh tế EU bất ổn với việc Anh quyết định rời khỏi liên minh châu Âu (Brexit).

vinatex 2
Tập đoàn Dệt may Việt Nam đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động.

Nhằm tận dụng những cơ hội cũng như khắc phục những khó khăn thách thức, ngành Dệt May Việt Nam đã chủ động trong công tác hội nhập, đặc biệt lãnh đạo Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Hiệp hội Dệt May Việt Nam trực tiếp tham gia quá trình tham vấn cho các đoàn đám phán như TPP; FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, FTA Việt Nam – EU. Việc tham gia trực tiếp của lãnh đạo Tập đoàn cũng như của Hiệp hội Dệt May Việt Nam trong đoàn đàm phán có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Dệt May Việt Nam. Hơn ai hết, Tập đoàn và Hiệp hội nắm rất rõ tình hình ngành Dệt May Việt Nam hiện tại, điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế cạnh tranh, từ đó sẽ tham vấn đúng đắn, chính xác cho đoàn đàm phán để mang lại lợi ích tối đa cho doanh nghiệp Dệt May Việt Nam.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, sẵn sàng đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTAs như “từ sợi trở đi”, “từ vải trở đi”, trong những năm qua, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước về hành lang chính sách pháp lý để tự đổi mới, mở rộng quy mô, đầu tư các thiết bị hiện đại từ sợi, dệt, nhuộm, xử lý hoàn tất, may…nhằm tăng năng lực sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đối với sản phẩm may mặc; từng bước chuyển từ sản xuất gia công theo phương thức bán FOB, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn.

Các đơn vị thuộc Vinatex sẵn sàng đáp ứng yêu cầu
Các đơn vị thuộc Vinatex sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của các Hiệp định thương mại quốc tế.

Cụ thể, tính đến năm 2015, toàn Tập đoàn có 12 đơn vị lớn sản xuất sợi với quy mô 85 vạn cọc sợi, sản lượng 133 nghìn tấn/năm, 5 đơn vị lớn sản xuất vải dệt kim với sản lượng 11.300 tấn/năm, 5 đơn vị lớn sản xuất vải dệt thoi với sản lượng 124 triệu mét/năm, 17 Tổng Công ty và Công ty May với quy mô 1.405 chuyền may, công suất khoảng 240 triệu sản phẩm/năm. Trong năm 2016, Tập đoàn tiếp tục triển khai hoàn thiện và đầu tư mới với 9 dự án sợi, 11 dự án dệt nhuộm và 12 dự án may. Với việc các FTAs hiện nay đã được kí kết như EVFTA, VCUFTA, VKFTA, mang lại lợi thế cạnh tranh về thuế cho Dệt May Việt Nam trước các quốc gia xuất khẩu dệt may khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường, mở rộng thị phần tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, để khắc phục những hạn chế về năng lực quản lý, về khả năng tiếp thị và làm thương hiệu, Tập đoàn cũng đầu tư chi phí cho công tác đào tạo để nâng cao trình độ quản trị cho đội ngũ lãnh đạo và nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân; chú trọng phát triển thương hiệu, chuyển dần từ việc xuất khẩu sản phẩm thương hiệu của khách hàng bằng thương hiệu của chính doanh nghiệp để khẳng định uy tín và vị thế của mình.

Vinatex là một trong 10 đơn vị có công trình, sản phẩm tiêu biểu được vịnh danh tại Đại hội Đảng bộ Khối DNTW lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Vinatex là một trong 10 đơn vị có công trình, sản phẩm tiêu biểu được vịnh danh tại Đại hội Đảng bộ Khối DNTW lần thứ II, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Với những thành tích đã đạt được như kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng qua các năm,  mô hình sản xuất OME  có tỷ trọng ngày càng cao, Tập đoàn Dệt may VN đã được trao giải trong các sự kiện như sau: Năm 2012 Dệt may đã đạt 17,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đây là năm thứ 4 liên tiếp ngành Dệt May Việt Nam duy trì vị trí số 1 của cả nước về kim ngạch xuất khẩu cũng là năm Tập đoàn Dệt may VN được chọn là 1 trong 10 sự kiện kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng tiêu biểu trong năm của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Ngày 24/3/2014 tại Nhà hát lớn TP.Hà Nội, 15 doanh nghiệp dệt may trong Tập đoàn đã được trao giải trong Chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may lần thứ VIII” do  Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt May Việt Nam phối hợp tổ chức. Điều đó cho thấy ngành dệt may không chỉ đơn thuần là ngành giải quyết lao động mà còn có tiềm năng rất lớn trong tham gia tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần phát huy vai trò là những đơn vị tiên phong trong nhiệm vụ phát triển ngành dệt may và nền kinh tế đất nước. 

Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định vị trí trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Để có thể nâng cao năng lực toàn ngành, đáp ứng các yêu cầu mới của hội nhập, Tập đoàn Dệt May mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các Bộ, Ngành của Trung ương, của Chính phủ về cơ chế, các chế độ, chính sách để phát triển ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp dệt may nói riêng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dệt may phát huy được lợi thế cạnh tranh nhằm tận dụng được cơ hội lớn trong hội nhập kinh tế quốc tế.

 
.
.
.
.