.
.

Agribank với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thứ Năm, 23/03/2023|21:49

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; là vấn đề có tính chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp cách mạng của Việt Nam. Chủ trương của Đảng là phải phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của người nông dân, đặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời. Kiên định với mục tiêu “Tam nông” gắn với sứ mệnh của Ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập, trong hành trình bền bỉ đưa Nghị quyết “Tam nông” đi vào cuộc sống, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Agribank luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh hàng năm cùng những thành tích xuất sắc phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong thời kỳ đổi mới.

Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn bám sát chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và diễn biến thị trường, nhất quán trong điều hành, triển khai đồng bộ có hiệu quả nhiều giải pháp, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Agribank đạt 1,68 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,58 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,31 triệu tỷ đồng, trong đó gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ tín dụng “Tam nông” tại Việt Nam.

Luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước

Agribank luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia, giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn, luôn đi đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, Agribank là “cầu nối” quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, mang đến cho người dân trên cả nước cơ hội được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước, góp phần làm thay đổi căn bản chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phát huy thế mạnh của Ngân hàng thương mại (NHTM) có mạng lưới rộng lớn nhất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, là NHTM duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo, Agribank triển khai hiệu quả việc chuyển tải vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích đến gần với bà con nông dân, có những đóng góp nhất định trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, cải thiện đời sống của nhân dân ở khu vực nông thôn, đóng góp vào sự thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam. Đến cuối năm 2021, doanh số cho vay lũy kế đạt trên 288,6 tỷ đồng. Đến tháng 09/2022, dư nợ cho vay của chương trình Nghị quyết số 30a đạt 514 tỷ đồng phục vụ cho 4.496 khách hàng, tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 0,6%. 

Qua đó, Agribank đã đóng góp to lớn vào tiến trình 35 năm đổi mới của Việt Nam với những dấu ấn quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo, chung tay cùng toàn ngành Ngân hàng đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững trở thành hiện thực tại Việt Nam. Thời gian tới, với mục tiêu của Việt Nam mỗi năm giảm từ 1 đến 1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, Agribank cam kết với vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên những thành tựu lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững của Việt Nam.

Giao dịch tại ngân hàng Agribank.
Giao dịch tại ngân hàng Agribank.

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết số 30a), Agribank đã triển khai đồng bộ, chủ động đầu tư vốn để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại các huyện nghèo; xây dựng quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương nhất là những nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thường xuyên bị thiên tai: Mua giống gia súc (trâu, bò, dê) hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung, giống thuỷ sản; hỗ trợ để làm chuồng trại chăn nuôi hoặc cải tạo diện tích nuôi trồng ...chuyển tải vốn đến những vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh; tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, giúp cho hàng chục vạn hộ thoát nghèo; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo. Nhờ các chương trình đầu tư hiệu quả với tổng doanh số cho vay đạt trên 13 ngàn tỷ đồng, gần 220 ngàn lượt khách hàng mà đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập đảm bảo, giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn của Agribank đã góp phần tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Thịnh, 05 năm trước nằm trong danh sách hộ nghèo của Tiểu khu Sao Đỏ II, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La): Khởi nghiệp từ hơn 30 triệu được vay từ nguồn vốn của Agribank Chi nhánh huyện Vân Hồ Sơn La, nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chủ động liên hệ tốt đầu ra cho sản phẩm nên đến nay, gia đình ông đã vươn lên trở thành một trong số những hộ có thu nhập cao ở địa phương. Với việc thường xuyên duy trì đàn bò sữa từ 50- 100 con, trong đó có 45 con đang kỳ vắt sữa, đến nay, gia đình ông có thu nhập lên tới trên 1,5 tỷ đồng từ tiền bán sữa và bò giống…..

Mặc dù là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%, số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn là trên 530 tỷ đồng. Việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn của Agribank đã hỗ trợ thiết thực cho các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua đó, Agribank cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị đã làm nên thành công của chương trình, giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, giúp người nghèo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng trên cả nước, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đem đến cuộc sống mới khởi sắc cho người dân khu vực nông thôn.

Cùng với việc đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank còn là ngân hàng trụ cột trong việc triển khai cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ (Nghị định số 67), tích cực đưa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với nông dân và ngư dân nhằm khuyến khích ngư dân bám biển, tổ chức lại nghề cá, tái cơ cấu ngành thủy sản, khai thác xa bờ đúng với lợi thế từng địa phương, đồng thời triển khai kế hoạch hỗ trợ cho những hộ có đủ điều kiện vay vốn đóng tàu vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế. Agribank đã cung ứng vốn cho ngành thủy sản phát triển, giúp ngư dân tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi lãi suất từ đó giảm bớt khó khăn trong việc đóng mới và nâng cấp tàu cá. 

Agribank là ngân hàng tiên phong, dẫn đầu trong các chương trình Tín dụng chính sách về cho vay lĩnh vực của ngành nông nghiệp.
Agribank là ngân hàng tiên phong, dẫn đầu trong các chương trình tín dụng chính sách về cho vay lĩnh vực của ngành nông nghiệp.

Từ tiên phong, nghiêm túc triển khai chủ trương của Đảng về chiến lược biển Việt Nam và chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, Agribank cùng hệ thống chính trị đã tạo nên “điểm tựa” vững chắc, tạo điều kiện, mở ra cơ hội thuận lợi để ngư dân cả nước đầu tư, nâng cấp tàu cá công suất lớn cùng với thiết bị công nghệ hiện đại, có đủ năng lực vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản, làm giàu từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, toàn hệ thống Agribank tích cực “vào cuộc”, tham gia các đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước trong các chuyến đi về vùng biển, tiếp xúc lắng nghe ý kiến của ngư dân, tham gia các hội nghị có liên quan để nắm bắt, lĩnh hội các ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương… Các chi nhánh của Agribank trong hệ thống với ưu thế mạng lưới phủ sóng xuống tận xã, phường, thị trấn, cán bộ tín dụng bám sát địa bàn, đã gặp gỡ trực tiếp với những ngư dân có nhu cầu vay vốn, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục. Chi nhánh Agribank ở các địa phương giáp biển đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và tiếp cận với khách hàng có nhu cầu vay vốn đóng tàu để tư vấn các quy định của Agribank. Đến nay, Agribank là Ngân hàng duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo: Cô Tô, Cát Bà, Cát Hải, Vân Đồn, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc và Kiên Hải. Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank dẫn đầu ngành ngân hàng về cho vay phát triển thủy sản tại 28 tỉnh ven biển với trên 50% tổng tàu đầu tư (622/1.100 tàu), dư nợ đến cuối năm 2021 là hơn 3.077 tỷ đồng/412 khách hàng và đến tháng 09/2022 là 1.135 tỷ đồng/227 khách hàng.

Bên cạnh đó, Agribank chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng, khai thác, thu mua đến chế biến, xuất khẩu; góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế. Agribank đã tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn đầu tư, xây dựng, cải tạo ao, đầm để nuôi cá tra, cá ba sa, nuôi tôm, nuôi cá lồng, mua sắm thiết bị, chế biến…

Không chỉ đồng hành cùng nhà nông, sự chia sẻ của ngân hàng đã giúp không ít hộ nông dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất, chăn nuôi với chính sách hỗ trợ lãi suất kịp thời khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Agribank Chi nhánh Thừa Thiên - Huế là một trong những chi nhánh luôn đồng hành với bà con ngư dân, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn nhất sau sự cố môi trường đã khiến hàng chục nghìn hộ gia đình ngư dân lâm vào cảnh khó khăn chồng chất... Toàn tỉnh có năm huyện, thị xã gồm: Phong Ðiền, Quảng Ðiền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc với tổng số 27 xã, thị trấn thuộc vùng ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Sự cố môi trường gây thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, gần 3.000 chiếc tàu thuyền bị ảnh hưởng khi chịu cảnh nằm bờ. Agribank Thừa Thiên - Huế đã thực hiện miễn giảm lãi cho các hộ vay bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; Cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ gốc, lãi nhằm tạo điều kiện cho khách hàng ổn định tài chính, đồng thời cho vay mới khi khách hàng chuyển đổi ngành nghề. Theo đó, Agribank Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thủy hải sản chết bất thường đối với 330 khách hàng.

Agribank cho vay nuôi trồng chế biến nông sản và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Agribank cho vay vốn nuôi trồng chế biến nông sản và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Tham gia với tư cách chủ lực đầu tư cho “tam nông”, Agribank đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có vốn phát triển các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao đồng thời giúp người nông dân đủ lực để tham gia vào chuỗi sản xuất lớn. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC); đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị; giúp nông sản Việt tự tin trong sân chơi EVFTA không chỉ là mối quan tâm lớn của Chính phủ mà còn là mục tiêu quan trọng trong chiến lược kinh doanh của ngành ngân hàng nói chung và của Agribank nói riêng. Vì thế, ngoài việc tập trung đầu tư tín dụng, trong những năm gần đây, Agribank đã dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, Agribank giảm lãi suất cho vay từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm cho khách hàng tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch. Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để mở rộng đầu tư tín dụng thông qua đơn giản hoá thủ tục giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng. Agribank đồng thời triển khai các giải pháp để rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn và nâng mức cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tiếp cận vốn vay của Agribank. Bên cạnh đó, Agribank giảm dần lãi suất cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng như về hạn mức vốn vay, tài sản thế chấp…. Với vai trò chủ lực phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank hàng năm luôn dành trên 70% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực này và chiếm trên 50% thị phần tín dụng dành cho tam nông hiện nay. 

Đến nay, khắp mọi vùng, miền, các mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hàng hóa nông sản chất lượng cao dần được hình thành từ vốn vay của Agribank. Có thể kể đến mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum), trồng mía (Khánh Hoà, Tuyên Quang), ngô (Sơn La), hoa quả và rau an toàn ở khu vực các tỉnh Tây Nguyên, thanh long theo tiêu chuẩn VietGap (Bình Thuận)… Các mô hình này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân, góp phần hình thành “làn sóng” thu hút đầu tư lĩnh vực này.

Agribank cho vay nuôi trồng thủy sản.
Agribank cho vay nuôi trồng thủy sản.

Đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank luôn tiên phong, là ngân hàng chủ lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, 03 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội miền núi và đồng bào thiểu số và xóa đói giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, Agribank luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư vốn phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Quan tâm đầu tư cho vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển, hải đảo, theo đó góp phần tích cực vào thành tích chung của cả nước trong công tác an sinh xã hội, an toàn biển đảo, bảo vệ tổ quốc. Với các chính sách tín dụng có hiệu quả, Agribank đã góp phần tăng cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động yếu thế thông qua các gói cho vay hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân. Mở rộng cơ hội cho người lao động tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già. 

Theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phượng, Agribank đã giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, giúp cho người nông dân yên tâm tập trung sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và địa phương ngày một tốt hơn. Thông qua ký thỏa thuận liên tịch với Trung ương Hội Nông dân và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đẩy mạnh cho vay kinh tế hộ thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên. Kể từ khi triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng đến nay, doanh số cho vay chương trình đã vượt xa quy mô ban đầu (5.000 tỷ đồng), đạt 22.000 tỷ đồng với 230.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết, nâng cao đời sống của người dân tại các địa bàn nông thôn… Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank còn được biết đến là một doanh nghiệp vì cộng đồng, chủ động, tích cực tham gia hoạt động an sinh xã hội. Mỗi năm, từ nguồn tài chính của mình cũng như đóng góp tự nguyện từ cán bộ, nhân viên toàn hệ thống, Agribank dành từ 400 tỷ - 500 tỷ đồng tài trợ xây dựng trường học, trạm y tế, nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo trên khắp cả nước, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa và các địa phương còn nhiều khó khăn. 

Nguồn vốn tín dụng của Agribank đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện các dự án “điện, đường, trường, trạm”, các hộ gia đình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, thu nhập góp phần ổn định đời sống. Cho vay xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo nông thôn từng bước thay đổi, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nỗ lực chung tay vì cộng đồng - không để ai bị bỏ lại phía sau

Là ngân hàng hoạt động chủ lực trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn, được ví như "ngân hàng của nhà nông", Agribank đã và đang nỗ lực không mệt mỏi đưa dịch vụ tài chính ngân hàng đến với từng thôn xã, từng gia đình ở địa bàn nông thôn, quyết tâm cùng ngành ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ và thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công. Agribank chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua việc không ngừng sáng tạo trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, kênh phân phối. Đến nay, Agribank là ngân hàng đi đầu trong hiện đại hóa kênh thanh toán nông thôn bằng việc đầu tư gần 2.530 thiết bị POS được lắp đặt mới, phát triển trên 200 sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng. 

Gian hàng Agribank thu hút rất đông sinh viên tới tham quan, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Gian hàng Agribank thu hút nhiều sinh viên tới tham quan, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Nhằm phủ sóng tín dụng tới địa bàn vùng sâu, vùng xa, được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng để cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi giúp mọi người dân đều có cơ hội vay vốn, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống, đẩy lùi nạn tín dụng đen. Đến nay, Agribank đã triển khai an toàn 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với trên 15.000 phiên giao dịch, phục vụ hơn 1,4 triệu lượt khách hàng tại 454 xã trên toàn quốc, giải ngân 5.679 tỷ đồng, thu nợ 6.208 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 3.416 tỷ đồng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ tiện ích khác tạo điều kiện thuận lợi đối với hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận vốn vay và dịch vụ ngân hàng, giảm chi phí và thời gian đi lại.

Song song với đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, Agribank đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ thấu chi tại thị trường nông nghiệp, nông thôn với lợi thế về chính sách hỗ trợ ưu đãi, thủ tục đơn giản, linh hoạt. Đến nay, hạn mức thấu chi đã cấp trên 1.756 tỷ đồng với 266.853 thẻ. Sáng kiến thẻ thấu chi của Agribank đã được bà con hưởng ứng nhiệt tình và các cấp chính quyền địa phương khen ngợi. Nhờ có thẻ thấu chi Agribank mà tình trạng tín dụng đen giảm mạnh, tình trạng mất an ninh trật tự trên các địa phương vì vậy cũng giảm hẳn. Đề án thẻ thấu chi cũng như sáng kiến điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã thực sự mang dịch vụ ngân hàng đến tận từng gia đình, đây cũng là những chương trình rất thiết thực để hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện quốc gia .Ý nghĩa nhân văn to lớn của các sáng kiến này đã giúp Đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng và Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt giải Ba và giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng kiến vì cộng đồng năm 2020. Giải thưởng này là sự công nhận tâm huyết, sự nỗ lực vì người dân ở địa bàn nông thôn dành cho Agribank. Không chỉ góp phần thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện của Chính phủ, nỗ lực đưa dịch vụ ngân hàng của Agribank đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, ý nghĩa nhân văn cao cả "không ai bị bỏ lại phía sau, mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ tín dụng, tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho tất cả người dân".

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của Agribank đã góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn trong hoạt động thanh toán, nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, giảm thiểu rủi ro trong thanh toán. Trong lĩnh vực tài chính công, Agribank là một trong các ngân hàng đầu tiên triển khai công tác phối hợp thu với cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, phủ khắp đến các địa bàn xã, huyện trên cả nước. Với lợi thế về mạng lưới, ngân hàng tiếp tục đưa các sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng phủ khắp các vùng miền, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả, thành công sản phẩm dịch vụ ngân hàng lưu động. 

Trao tặng các danh hiệu thi đua hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Lãnh đạo Agribank trao tặng các danh hiệu thi đua hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2022 cho các đơn vị trực thuộc.

Với mong muốn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến người dân được nhanh chóng và thuận lợi, Agribank đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải tiến, tháo gỡ về thủ tục cho vay, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ vay vốn, niêm yết công khai minh bạch chính sách tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, chủ động tiếp cận khách hàng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) để tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đến các khách hàng trên địa bàn. Đến nay, Agribank đã thực hiện cho vay trên 69.000 tổ vay vốn với trên 1,4 triệu tổ viên, dư nợ đạt 167.000 tỷ đồng. Thấu hiểu đặc thù của ngành sản xuất nông nghiệp, thu nhập mang tính mùa vụ cũng như nhu cầu vốn của người nông dân, Agribank không chỉ phục vụ vốn sản xuất mà còn đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, phục vụ đời sống cho bà con. Agribank luôn chủ động dành một tỷ lệ vốn nhất định để đáp ứng nhu cầu vay phục vụ đời sống sinh hoạt khu vực nông nghiệp, nông thôn. Dòng vốn tín dụng tiêu dùng của Agribank đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng. Đây là một trong những giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Có thể nói, với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia tại khu vực nông thôn, Agribank đang giữ vai trò chủ lực. Sở hữu mạng lưới lớn nhất hệ thống với trên 2.300 chi nhánh, nay có thêm sự bổ trợ của công nghệ, Agribank có tham vọng phủ sóng rộng hơn dịch vụ tài chính của mình đến tận tay người dùng vùng sâu, vùng xa. Bằng những chương trình cụ thể, Agribank đang nỗ lực mang dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với khách hàng, góp phần tạo nên thành công của ngành nông nghiệp, làm thay đổi đời sống nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Uy tín thương hiệu Agribank tiếp tục được nâng cao. Tổ chức Moody’s nâng xếp hạng Agribank từ mức “Ba3” lên mức “Ba2” với triển vọng “Ổn định”; Agribank được xếp hạng cao nhất trong các Ngân hàng Việt Nam tại bảng xếp hạng Brand Finance Banking 500 năm 2022; Giải thưởng Sao vàng Đất Việt; Giải thưởng Sao Khuê; Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022; Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín; Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2022; Top 10 thương hiệu mạnh ngành tài chính ngân hàng năm 2022,…

Trong thời gian tới, Agribank thực hiện tiến trình cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, song trong chiến lược phát triển, Agribank vẫn kiên định với mục tiêu nông nghiệp, nông dân, nông thôn là “địa bàn lõi", khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc chính. Đây là cơ sở vững chắc để Agribank quyết tâm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp hiện thực hóa, triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là khi Việt Nam vẫn còn tỷ lệ lớn người dân vùng sâu, vùng xa chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tài chính. 

Đồng chí Phạm Đức Ấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Agribank nhấn mạnh: Quyết tâm cùng ngành ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công, Agribank chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân thông qua việc không ngừng sáng tạo trong cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, kênh phân phối. 

Trong những năm tiếp theo, Agribank sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng thương mại hàng đầu về mạng lưới và cơ sở khách hàng trong hệ thống, đây là nền tảng vững chắc cho phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và quá trình chuyển đổi số theo định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; cập nhật nhanh xu hướng, công nghệ thanh toán hiện đại với hàng loạt sản phẩm, chức năng, tiện ích mới phù hợp với Cách mạng công nghệ 4.0 và số hóa nền kinh tế nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, cải tiến chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng và nâng cao khả năng cạnh tranh.

L.H

 

 

 

.
.
.
.