.
.

300 doanh nghiệp Bỉ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam

Thứ Hai, 12/03/2012|20:50

Từ ngày 11 - 16/3/2012, một phái đoàn thương mại cấp cao của Bỉ sẽ đến thăm Việt Nam, với sứ mệnh thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước về mặt kinh tế, giao thương, hợp tác công nghệ.

Bỉ và Việt Nam đã thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế và chính trị chính thức vào năm 1973. Kể từ đó, thương mại giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng đạt mức hơn 1 tỷ đô trong năm 2011, tăng gấp đôi thập kỷ trước. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Bỉ sang Việt Nam bao gồm hóa chất, thuốc, thiết bị máy móc, sắt thép và các kim loại khác; đồng thời Bỉ nhập khẩu từ Việt Nam các mặt hàng giày dép, dệt may, rau củ. Thâm hụt thương mại của Bỉ và Việt Nam đang ngày càng thu hẹp lại, và ngày càng có nhiều sản phẩm công nghệ cao được xuất khẩu.

Mặc dù Bỉ có diện tích nhỏ và dân số không cao, nhưng lại có nền kinh tế phát triển lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới; với GDP đạt hơn 460 tỉ USD trong năm 2010. Bỉ xếp hạng thứ 12 trên thế giới về mặt nhập khẩu và đứng thứ 4 về mặt thu hút nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) (62 tỉ USD trong năm 2010). Với vị trí chiến lược, dễ dàng tiếp cận hơn 500 triệu người tiêu dùng Châu Âu, cùng một lực lượng lao động chất lượng cao, môi trường kinh doanh thân thiện, và chất lượng cuộc sống đạt tiêu chuẩn cao, Bỉ được đánh giá là một địa điểm rất hấp dẫn để đầu tư.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ các công ty Bỉ vào Việt Nam hiện nay khoảng 108 triệu USD, chủ yếu tại các lĩnh vực quan trọng như phát triển cảng, công nghiệp thực phẩm, sản phảm hóa chất và dược phẩm, đá quý và chế tác đá tự nhiên, hàng da thuộc và hệ thống chiếu sáng công cộng. Tuy nhiên, số vốn đầu tư từ các công ty Bỉ sẽ lớn hơn nhiều nếu tính luôn các khoản đầu tư từ các chi nhánh tại Hồng Kông, Singapore của công ty Bỉ. Gần đây Bỉ đang cam kết tăng nguồn tài trợ ODA cho Việt Nam. Hiện nay, Bỉ đóng góp khoảng 25 triệu USD mỗi năm, chủ yếu trong các lĩnh vực như quản lý nguồn nước, giáo dục và học bổng hỗ trợ phát triển năng lực. Trong tương lai, Bỉ cũng sẽ chú trọng vào việc hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp.

Chuyến viêng thăm này được chủ trì bởi Thái Tử Philippe của Bỉ, cùng Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Didier Reynders và 3 vị Bộ trưởng khu vực. Một phái đoàn doanh nghiệp cấp cao của Bỉ gồm 300 doanh nhân đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như quản lý nước và chất thải, giao thông vận tải, cảng, hậu cần, công nghệ vũ trũ cũng như y tế sẽ cùng tham gia. Các công ty Bỉ hiện rất quan tâm đến việc tiếp tục phát triển và tăng cường các hoạt động của họ tại Việt Nam; và đang chú trọng đến các lĩnh vực như ngành công nghiệp kim cương, dịch vụ cảng, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ cao, y tế và ngành công nghiệp thực phẩm. Trong một tuần (11-16 tháng 3), phái đoàn kinh tế Bỉ sẽ thăm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với rất nhiều hoạt động nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ kinh tế, xã hội và hợp tác công nghệ giữa hai nước . Đây chắc chắn là một dịp tuyệt vời cho các công ty Bỉ khám phá những cơ hội kinh doanh mà thị trường Việt Nam có thể cung cấp, và cũng là dịp để các công ty Việt Nam có cơ hội gặp gỡ những đối tác kinh doanh đầy tiềm năng và đáng tin cậy.

Bên cạnh đó, phái đoàn doanh nghiệp Bỉ sẽ tổ chức các buổi hội thảo về các lĩnh vực như: “Bỉ biết làm thế nào trong phát triển giao thông vận tải, hậu cần và cầu cảng”: chia sẻ kinh nghiệm của Bỉ, đồng thời giới thiệu sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngoài ra, các công ty Bỉ trong lĩnh vực như xây dựng, quản lý cảng, nạo vét sẽ được giới thiệu tại buổi hội thảo, tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các công ty Việt Nam. Bên cạnh đó, buổi hội thảo còn có sự hiện diện của Bộ Giao Thông Vận Tải, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư cùng các tổ chức chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước, các công ty tư vấn, xây dựng từ Việt Nam. “Bỉ biết làm thế nào trong việc xử lý nước và nước thải”:  với mục đích quảng bá rộng rãi các kinh nghiệm của Bỉ trong lĩnh vực này tới các công ty Việt Nam. Bên cạnh đó, buổi hội thảo còn tạo điều kiện để giới thiệu công nghệ và kiến thức của Bỉ trong việc quản lý nguồn nước và xử lý nước thải, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật với các công ty Việt Nam, và học hỏi thêm về cơ cấu ra quyết định trong lĩnh vực này tại Bỉ. Ngoài ra, chính sách đầu tư và sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này cũng sẽ được đề cập tới. Buổi hội thảo có sự hiện diện của nhà đồng tổ chức – Bộ Xây Dựng, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. “Công nghệ nông nghiệp thực phẩm và nuôi trồng thuỷ sản”: là cơ hội để chia sẻ các kinh nghiệm của Bỉ trong việc hiện đại hoá lĩnh vực quan trọng này. Buổi hội thảo sẽ giới thiệu về ngành nuôi trồng thuỷ sản của Việt Nam, thảo luận về nhu cầu đa dạng hoá sản phẩm và tầm quan trọng của các hiệp hội nông dân. Ngoài ra, buổi hội thảo còn đề cập đến vai trò và sự tác động của Bỉ trong việc hợp tác phát triển năng lực, đồng thời giới thiệu về các sản phẩm đặc biệt của Bỉ trong việc phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản Việt Nam. “Dịch vụ y tế chất lượng tốt với chi phí hợp lý – kinh nghiệm từ Bỉ”: là cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn về kiến thức, kinh nghiệm của Bỉ trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Buổi hội thảo sẽ chú trọng thảo luận về các ứng dụng trong cả lĩnh vực y tế công cộng và y tế tư nhân cũng như giới thiệu kinh nghiệm của Bỉ trong sự phát triển một hệ thống an ninh xã hội và bảo hiểm y tế vững mạnh.
 
Mai Thanh/ DDDN
.
.
.
.