.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023

Bưu điện - Văn hóa xã: Vững bước trên hành trình gắn bó với nông thôn

Thứ Bảy, 25/11/2023|16:18

25 năm xây dựng và phát triển, trải qua những thăng trầm của thời đại, hệ thống Bưu điện - Văn hóa xã (BĐ-VHX) đã và đang tiếp tục tạo ra những giá trị phục vụ cộng đồng trên hành trình gắn bó với người dân nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo.

Kỳ 1: “Dấu ấn văn hóa” đậm nét ngành Bưu điện

Những năm đầu công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ rõ Bưu chính - Viễn thông là một ngành thuộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, gắn bó chặt chẽ với an ninh quốc phòng. Trong “Chiến lược phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020”, ngành Bưu điện nhận thức rõ vai trò nhiệm vụ của mình là phải tăng tốc độ phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin, quyết định đi thẳng vào công nghệ mới hiện đại, theo hướng “số hóa, tự động hóa và đa dịch vụ”, mở rộng mạng lưới bưu chính viễn thông hướng về nông thôn, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Đây là một nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, có vai trò quyết định đối với việc ổn định kinh tế - xã hội vùng nông thôn, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững chung của cả nước.

Thời điểm năm 1998, cả nước mới chỉ có trên 2 triệu máy điện thoại, tương ứng mật độ 2,64 máy/100 dân cùng với 3.000 bưu cục trong tổng số 9.000 xã, phường và tập trung chủ yếu tại các thành phố, thị xã. Bình quân 25.500 người và 110 km2 mới có một bưu cục phục vụ. Khả năng tiếp cận các dịch vụ bưu chính, viễn thông của người dân nông thôn (tương ứng 80% dân số thời điểm đó), đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa gặp vô vàn những hạn chế. Đôi khi, muốn gửi một lá thư, gọi một cuộc điện thoại phải đi hàng chục, thậm chí hàng trăm cây số và cũng mất hàng tuần, hàng tháng để đến được tay người nhận nên hiếm khi, người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện tiếp cận với sách, báo.

BĐ-VHX trở thành điểm sáng thúc đẩy hình thành văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho người dân vùng nông thôn.
BĐ-VHX trở thành điểm sáng thúc đẩy hình thành văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho người dân vùng nông thôn.

Để góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương V khóa VIII “Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện”, hơn 2.000 điểm BĐ-VHX ra đời. Mô hình BĐ-VHX mang đậm tính xã hội, phục vụ cộng đồng với 02 nhiệm vụ chính là cung cấp các dịch vụ bưu chính - viễn thông và tham gia vào các hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao dân trí cho mọi người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, trước hết là văn hóa đọc. Từ đó, kích thích nhu cầu sử dụng thông tin của người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế hàng hóa ở nông thôn, mở rộng thị trường, phục vụ thông tin liên lạc cho các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, hình thành nên một xã hội thông tin, làm thu hẹp khoảng cách thành thị với nông thôn.

Giai đoạn 1998 - 2005, mạng lưới BĐ-VHX đã được xây dựng rộng khắp với 3.200 điểm vào năm 1999, tăng lên 7.516 điểm vào năm 2005. Trong đó có gần 1.600 điểm ở các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo và hơn 2.000 điểm có kết nối mạng Internet. Ngoài việc góp phần hoàn thành mục tiêu 100% số xã có điện thoại vào năm 2005 của ngành, từng bước hình thành một xã hội thông tin hoàn chỉnh, nhờ có hệ thống BĐ-VHX, quy mô mạng lưới phục vụ (bưu cục, BĐ-VHX, đại lý, ki ốt) đã được mở rộng lên tới 12.000 điểm, rút ngắn diện tích phục vụ bình quân từ 110km2/điểm xuống còn 17.5km2/điểm.

Nói về tên gọi và những đóng góp của hệ thống BĐ-VHX trong đời sống xã hội giai đoạn 1998-2005, Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Đỗ Trung Tá, “cha đẻ” của mô hình BĐ-VHX chia sẻ: “Tên gọi điểm BĐ-VHX với mong muốn rằng đây sẽ là điểm sáng ở nông thôn cả về bưu chính viễn thông và văn hóa, là nơi tụ họp của người dân trong xã để được hưởng những thiết chế văn hóa miễn phí, hưởng các dịch vụ bưu chính viễn thông. Sự xuất hiện của BĐ-VHX đã góp phần cho cuộc sống tinh thần của người dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa được nâng lên đáng kể”.

BĐ-VHX góp phần nối liền mạng thông tin liên lạc khắp các vùng miền trên toàn quốc.
BĐ-VHX góp phần nối liền mạng thông tin liên lạc khắp các vùng miền trên toàn quốc.

Quả thực, cùng với hệ thống Điện, Đường, Trường, Trạm, BĐ-VHX đã trở thành một điểm sáng văn hóa, một trung tâm giao dịch và sinh hoạt cộng đồng mang đậm sắc thái từng vùng quê nông thôn mà ở đó trẻ em có thể đến đọc truyện, người lớn có thể đến gửi thư, đọc sách báo, sử dụng điện thoại, bộ đội biên phòng có nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ khi điều kiện cho phép. Đặc biệt, với cách thức kết hợp văn hóa đọc trong một điểm phổ cập dịch vụ bưu chính - viễn thông - công nghệ thông tin, mô hình BĐ-VHX đã trở thành một kênh thông tin hữu ích, giúp người dân nắm bắt kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tiếp cận với những kiến thức khoa học về nông - lâm - ngư nghiệp. Từ đó, áp dụng linh hoạt, phù hợp ngay trên thửa ruộng, mảnh vườn của mình, đem lại hiệu quả cao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn. 

Sự ra đời của mô hình BĐ-VHX được ghi nhận là bước đi sáng tạo của ngành Bưu chính – Viễn thông trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V, khóa VII. Đồng thời thực hiện được rất nhiều mục tiêu tại thời điểm đó.

Đảng bộ Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

.
.
.
.