.
.

Bàn về phê bình và tự phê bình trong cơ chế thị trường

Chủ Nhật, 15/04/2012|23:16
Về phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, Báo cáo tại Đại hội XI của Đảng đã nêu: “Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”. Nhưng trong thực tế thì đảng viên loại xuất sắc, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm đa số; chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh cũng chiếm đa số. Tại sao lại có vấn đề mâu thuẫn giữa cái chung và nhiều cái riêng như vậy?. Chúng ta hãy xét theo tinh thần người cộng sản về thực chất hiệu quả của việc phê bình và tự phê bình (PB & TPB) của từng tổ chức cơ sở đảng sẽ thấy thực trạng sau...

 

Tất cả các đơn vị, cơ sở hằng tháng, hằng quí, hằng năm đều có họp kiểm điểm, tổng kết phân loại từng người, từng tổ chức. Trong các cuộc họp ấy, dựa trên tình đồng chí và ý thức kỷ luật của Đảng và đoàn thể để PB & TPB, lấy đó làm cơ sở để bình bầu, đánh giá con người và tổ chức. Đồng thời, các tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể thường xuyên tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… Những người có chức vụ cao, vị trí xã hội quan trọng thì học bài bản hơn nhiều, thế nhưng tình hình đánh giá kết quả vẫn chưa chính xác.

Mục đích của người cộng sản là phấn đấu xây dựng một xã hội không có người bóc lột người; một xã hội mà con người sống với nhau trong môi trường dân chủ, công bằng, lý tưởng cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng chúng ta cũng thật thà nói rằng - cái ngày ấy còn rất xa. Tôi cũng dám chắc, không ai có thể tiên đoán bao giờ ngày ấy sẽ tới. Mọi hành động của người cộng sản trong thế giới đương đại đang nằm trong giai đoạn định hướng theo cái mục đích tốt đẹp, vĩ đại ấy. Đảng ta thấy rõ tính chất lâu dài của sự nghiệp ấy, nên đã đề ra mục tiêu phấn đấu cho từng chặng đường cách mạng ở nước ta. Và hiện nay, chúng ta đang ở thời kỳ quá độ xây dựng đất nước theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Như thế có nghĩa là chúng ta đang sống, làm việc trong cơ chế thị trường có thể nói còn lâu dài. Đã là thị trường thì cách làm ăn và lối tư duy của con người phải phù hợp với nó.

Hơn 26 năm đổi mới, về kinh tế, đất nước đã có bước chuyển khá nhanh. Theo hướng tăng cường và xác lập quyền tự chủ của những thực thể kinh tế theo quy luật - quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Mặc dù còn lắm điều chưa hoàn toàn lành mạnh, song sự thật nền kinh tế đất nước đã có những bước tiến nhất định. Trong những tiến bộ đạt được thì quyền tự chủ và tính cạnh tranh của các thực thể kinh tế là động lực quan trọng số một tác động thúc đẩy nền kinh tế. Tất nhiên, còn nhiều yếu tố khác, nhưng hai yếu tố trên là nguyên nhân trực tiếp nhất tạo ra nhiều của cải vật chất, đóng vai trò giải phóng lực lượng sản xuất đã bị đóng băng trong cơ chế quản lý kinh tế cũ.

Nhớ lại, thời người dân làm ăn theo lối hợp tác kiểu cũ, họ làm chung và ăn chia theo công điểm hoặc hưởng lương theo định mức. Họ thường xuyên họp hành, bình bầu, phê bình và tự phê bình (PB & TPB). Ban quản trị, ban giám đốc, các chi bộ, đảng bộ cũng thường xuyên kiểm điểm cá nhân, tập thể, tổng kết rút kinh nghiệm. Thế nhưng năng suất lao động đâu có tăng. Trái lại, càng ngày càng bộc lộ những khuyết tật của lối quản lý kinh tế cũ. Không thể giữ được cái mô hình làm ăn không hợp quy luật bằng cách tăng cường đấu tranh PB & TPB, bằng cách động viên tinh thần chung chung. Cuối cùng thì con người không thể cưỡng lại được quy luật và tất yếu cách quản lý mới, cách phân phối mới, lối làm ăn mới hình thành, thay thế và phát triển.

Hiện nay, những người lớn tuổi thì coi phương thức làm ăn đó là kỷ niệm của một thời quá khứ. Thế hệ trẻ thì không hiểu nổi, tại sao cha anh mình lại làm ăn theo cách như vậy. Những người có trách nhiệm xã hội thì nhìn nhận rộng hơn, sâu hơn cả về hai mặt được và mất của cái cơ chế quản lý đó, rút bài học kinh nghiệm trong  lãnh đạo, điều hành đất nước.

Bây giờ so sánh hiệu quả của các công ty, xí nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên cùng mặt hàng hóa, những sản phẩm đại thể như nhau thuộc các thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế tư bản tư nhân, cá thể, tiểu chủ,… trong thời gian qua. Trong đó, thành phần kinh tế nhà nước họp hành, PB & TPB nhiều nhất. Nhưng thường thì đa số các đơn vị thuộc thành phần ngoài quốc doanh làm ăn hiệu quả hơn. (Ở đây cần loại trừ những đơn vị làm ăn ma giáo). Ví dụ: Những đơn vị quốc doanh làm dịch vụ, buôn bán không độc quyền, hầu hết là không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. Cái vũ khí PB & TPB không đỡ nổi sự phá sản hàng loạt của các xí nghiệp quốc doanh. Các doanh nghiệp kiểu đó phải giải thể, cổ phần hóa hoặc bán đấu giá gần hết.

Một điều cần chú ý, những đơn vị thuộc thành phần kinh tế nhà nước thực hiện PB & TPB dễ hơn nhiều ở những đơn vị hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể. Bởi, ở đó các chỉ tiêu kinh tế rõ ràng hơn, hoàn thành nhiệm vụ hay không, cả về chất và lượng dễ thấy hơn, nhưng phương thức PB & TPB để phát triển cũng không phát huy tác dụng. Mặc dù các đơn vị này có đầy đủ các tổ chức như chi bộ, đảng bộ và các đoàn thể quần chúng.

Ở những đơn vị hành chính sự nghiệp, đảng, đoàn thể thì kết quả hoạt động mang tính trừu tượng hơn. Hiệu quả công việc ở đây phụ thuộc vào trí tuệ, ý thức trách nhiệm của từng người và tập thể. Nghĩa là phần lớn phụ thuộc vào lòng người mà lòng người thì khôn lường. Thực tế, nhiều công việc không hoàn thành thì không biết và không thể quy trách nhiệm cho ai để kiểm điểm mà thường dựa vào tính tự giác của đảng viên, công chức. Nhưng là thị trường thì quy luật giá trị chi phối rất lớn đến PB &TPB của từng thực thể trong xã hội. Bởi, con người học tập có kiến thức, có nghề mới vào được công sở. Ai cũng vậy, phấn đấu vào công sở là để thực hiện ước vọng của mình. Họ thực hiện tốt mọi nhiệm vụ trong công sở để đem lại lợi ích trước hết là cho họ. Như vậy, nghĩa là quy luật cạnh tranh vẫn tồn tại trong từng tập thể, cá thể trong bộ máy công quyền, nhưng nó thể hiện trầm hơn, che dấu khéo léo hơn. Mặt khác, nó cũng bị ràng buộc hơn bằng các phạm trù đạo đức, giác ngộ lý tưởng cách mạng, trách nhiệm công chức…

Trong hoàn cảnh đó, hiếm người tự nêu ra lỗi của mình, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng buộc họ phải nhận. Họ thường không thể tự giác nhận đơn vị mình, bản thân mình kém hơn người khác. Bởi, thị trường khuyến khích chủ nghĩa thực dụng. Ai thật thà, dễ bị người khác thừa cơ hội để vượt lên, đẩy mình về phía sau. Vì thế, nên PB & TPB của các tổ chức, khó làm được theo yêu cầu,  tình trạng “người không động đến ta, ta không động đến người” sẽ  xảy ra ngày càng phổ biến.

Từ thủ trưởng đến nhân viên đều phải tính toán PB & TPB như thế nào cho lợi. Nếu PB & TPB đúng nghĩa, đi tới bản chất của các hiện tượng tiêu cực, ta sẽ có lợi gì trong đó. Tính toán, cân nhắc là bản năng tự vệ vốn có của con người trong quá trình tồn tại. Do đó, phương thức lấy PB & TPB để định giá trị của con người trong công sở đang diễn biến đại thể như sau:

Thủ trưởng đang nắm quyền lực, cấp dưới chỉ có thể phê bình họ về những việc nhỏ chứ không thể phê bình những vấn đề hệ trọng thuộc về bản chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm có tính lớn lao. Thủ trưởng cũng khó phê bình nhân viên. Vì kết quả công việc trừu tượng. Mặt khác, lá phiếu tín nhiệm của họ cũng rất quan trọng đối với con đường "quan lộ" của thủ trưởng.

Ở những đơn vị cơ sở, gần dân, vì sức ép của dân về những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày, những khuyết nhược điểm của cán bộ cơ sở được dân phát hiện, dân có ý kiến buộc cán bộ không thể không kiểm điểm. Ở những đơn vị cấp cao, việc làm của cán bộ, dân làm sao biết được. Mặt khác, việc làm không tốt của cán bộ ở những đơn vị này tác động trên diện rộng, tác hại lớn, nhưng lại rất ít liên quan đến quyền lợi của cá nhân trong đơn vị. Có khi, thủ trưởng không tốt lại đưa lại quyền lợi vật chất trực tiếp cho những người dưới quyền nhiều hơn. Từ đó, sinh ra tình trạng bao che nhau, cả đám được lợi, còn đất nước, nhân dân thì là việc “Chúa” lo.

Một tình trạng khác cũng rất phổ biến, đó là không động đến quyền lợi của mình thì đấu tranh làm gì phiền phức, không khéo thiệt thân. Người khôn ranh, biết rõ chỗ hở của phương thức bình bầu, PB & TPB, nên cố sống thật tròn trĩnh, được lòng, được phiếu, chui sâu leo cao, vì mục đích cá nhân hẹp hòi.

Nói một cách sòng phẳng, hiện nay có nhiều đơn vị tổ chức các cuộc họp kiểm điểm rất hình thức. Kết quả, người nào cũng tốt, đơn vị nào cũng tốt, trừ những trường hợp bất khả kháng như vi phạm pháp luật, quá yếu về năng lực hay khuyết điểm lớn, rõ ràng không thể chối cãi. Trong các cuộc tổng kết, giấy khen, bằng khen nhiều. Những danh hiệu thi đua cao thường thuộc về thủ trưởng. Điều này sinh nghịch lý - Tại sao số người lãnh đạo được khen cao, nhưng tình hình hoạt động của tổ chức lại trì trệ ?!

Thời lửa đạn, sống cận kề với cái chết nên con người rất thương nhau, thật với nhau đến tột cùng, PB & TPB như một vũ khí để cùng nhau làm trong sạch lòng người, cùng nhau chia sẻ sự hy sinh. Trong thời bình, đặc biệt trong cơ chế thị trường, không một ai thoát khỏi sự chi phối của lợi ích cá nhân. Có chăng, loại trừ một số rất ít người “đắc đạo” nằm ngoài cái vòng xoáy đó. Nói cách khác, trong cơ chế thị trường có nhiều lý do mà người này không nói ra khuyết điểm của người khác và tự nói ra khuyết điểm chính mình. Vì trong đó, quan hệ lợi ích cá nhân chi phối có tính quyết định giữa việc phê bình hay không phê bình, tự phê bình hay không tự phê bình.

Hiện nay, xác định giá trị phải bằng cách khác, PB & TPB cũng phải theo cách khác. Đã là thị trường thì có cạnh tranh, lợi ích của một người, một nhóm người, một quốc gia này phải hơn quốc gia khác. Trong cái cơ chế ấy, con người bắt buộc phải hơn thua nhau bằng hiệu quả công việc. Chất lượng và số lượng sản phẩm làm ra là thước đo giá trị chân chính, chính xác nhất. Và bất cứ ở đâu dù là trong cơ quan công quyền cũng cần tìm ra phương cách biến những cái trừu tượng thành những tiêu chí định lượng để quy ra kết quả, ra được trách nhiệm.

Trong công tác xây dựng đảng, một trong những điều quan trọng là bằng phương cách khoa học, xây dựng hệ thống giá trị đúng đắn về cá nhân và tổ chức. Nếu cứ tiếp tục phân loại đảng viên, tổ chức đảng, đoàn thể, chính quyền theo cách căn cứ chủ yếu vào PB & TPB, bỏ phiếu kín của từng đơn vị nhỏ rồi đề nghị cấp trên xét duyệt sẽ không còn phù hợp trong cơ chế thị trường nữa. Cơ chế bình bầu này, rất khó khám phá được lòng người và bản chất sự việc để quy trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội cho một cấp, một tổ chức hay một cá nhân nào. Có khi, cơ chế đó dễ bị những kẻ cơ hội khéo léo lợi dụng hạ bệ người này, tâng bốc người kia, bóp méo mục đích PB & TPB, thậm chí phản tác dụng.

Theo tôi, trong cơ chế thị trường, PB & TPB chỉ là một phương cách tham khảo, kết hợp để đánh giá chứ không thể là biện pháp chủ yếu xây dựng các tổ chức, điều tiết các mối quan hệ nội bộ trong hệ thống chính trị như trong thời chiến tranh nữa. Cần phải xem xét lại về lý luận và thực tiễn, nhằm đổi mới phương thức và công cụ xây dựng các tổ chức sao cho phù hợp. Suy nghĩ và hành động như vậy, chúng ta mới thật sự là những người tuân thủ quan điểm biện chứng, tôn trọng quy luật khách quan mà những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản đã dày công khám phá, vạch đường cho nhân loại.

Tạp chí Xây dựng Đảng

.
.
.
.