.
.

Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023ng năm 2023

Chuyển đổi số cốt lõi trong xây dựng đảng và hệ thống chính trị

Thứ Bảy, 11/11/2023|23:15

Trong kỉ nguyên chuyển đổi số, không tiến lên chính là đang tụt hậu. Chính vì vậy, hiện nay chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt để chuyển đổi số thành công thì cần phải có sự chỉ đạo thống nhất về phương thức hành động của Đảng và sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, đó là cơ hội bứt phá cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp Việt nói riêng vượt lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu tận dụng tốt cơ hội để chuyển đổi số, nền kinh tế sẽ có những chuyển biến tích cực và có những bước nhảy vọt tạo tiền đề để xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh hướng đến thực thi đầy đủ và có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng và Chính phủ.

Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là việc ứng dụng công nghệ mà đó phải thực sự là việc thay đổi cách thức hoạt động của toàn bộ tổ chức với nền tảng công nghệ mới, hướng đi mới và mô hình tổ chức mới để có được những bước tiến đột phá và sáng tạo.

Thực tế cho thấy chuyển đổi số có tác động rõ rệt và bao trùm lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội – chính trị, đây là một yếu tố vô cùng quan trọng, là “chìa khóa” giúp giải quyết nhiều “bài toán khó” trong quá trình quản lý, vận hành và chỉ đạo của Đảng và toàn bộ hệ thống chính trị.

Với sự tác động của việc bùng phát và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong những năm qua kết hợp những vấn đề kinh tế và chính trị mà chúng ta phải đối mặt, những điều này đã đặt ra cho Đảng và Nhà nước ta những yêu cầu cấp thiết về sự thay đổi trong việc tiếp cận vấn đề, nhận thức và giải quyết các vấn đề thông qua các phương thức hiện đại, nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận, áp dụng hơn. Chính những khó khăn và áp lực này đã tạo ra một cú hích cho sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ số hoá, đưa chúng ta đến những thay đổi chưa từng có. 

Mục đích khi tiến hành chuyển đổi số là tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tối ưu hoá các quy trình thủ tục, truyền tải các nội dung chỉ đạo, thông điệp hành chính của Đàng và Chính phủ đến người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp người dân tin tưởng và đồng hành trong việc thay đổi hướng đến một xã hội văn minh và hiện đại hơn. Đây cũng chính là những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, nhờ đó các nhà lãnh đạo có thể đưa ra các quyết định sáng suốt và kịp thời để ổn định kinh tế - chính trị - xã hội, giúp đất nước thay đổi diện mạo, hướng đến những mục tiêu xa hơn, lớn hơn trên trường quốc tế.  

Một trong những yêu cầu của Chuyển đổi số quốc gia là chúng ta phải làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, làm chủ không gian mạng quốc gia hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp và làm chủ công nghệ sản xuất Make in Vietnam.” 

Để làm được điều này, Đảng và Nhà nước phải vạch ra lộ trình và những việc cần làm để tiến hành chuyển đổi số được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả, tránh việc chạy theo thời đại, chạy theo mục tiêu về số lượng mà gây thêm lãng phí nguồn lực xã hội, gây phiền phức cho người dân, việc chuyển đổi không đồng bộ dẫn đến phát sinh nhiều thủ tục hành chính không đáng có, gây áp lực lớn lên hệ thống kinh tế - chính trị dẫn đến trị trệ, tốn kém và gây dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi số, chúng ta cần thường xuyên cập nhật phản hồi, xây dựng hệ thống báo cáo, phân tích và đánh giá hiệu quả, qua đó, không ngừng học hỏi, nâng cấp và lựa chọn công nghệ phù hợp để áp dụng rộng rãi và lâu dài, không thực hiện kiểu qua loa, đại khái, không có chiều sâu, công nghệ nửa vời mang tính thời điểm.

Chuyển đổi số bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, do đó chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng về nhận thức. Trong đó vai trò của người đứng đầu tổ chức Đảng và Nhà nước là rất quan trọng, để từ đó có thể xây dựng chiến lược, mô hình, nhân sự, quy trình làm việc cũng như thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo… nhằm xây dựng và phát triển một cách bền vững, lớn mạnh và hội nhập quốc tế.

Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài, phức tạp, thực hiện trong nhiều năm, bao gồm nhiều bước. Vì vậy, cần có tầm nhìn xa nhưng chia mục tiêu và lộ trình thành nhiều phần nhỏ, bước nhỏ để thực hiện. Không nên phức tạp hóa, trìu tượng hóa, nhưng cũng không được đơn giản hóa chuyển đổi số, các yếu tố tác động đến chuyển đổi số có sự liên quan mật thiết và tác động đen xen, phức tạp.

Thứ nhất, chuyển đổi nhận thức (nhận thức số): Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Tham gia vào tiến trình chuyển đổi số, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện. Chuyển đổi số không phải là một khái niệm trìu tượng, xa vời, không thiết thực với bản thân. Trên thực tế chúng ta đang sống trong thời kỳ mà chuyển đổi số là xu thế tất yếu; nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân đã và đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực quản lý, giáo dục, y tế, kinh tế… nhưng vẫn chưa ý thức được những gì đang diễn ra chính là biểu hiện của thực hiện chuyển đổi số và mình đã và đang làm gì ở đâu, trong quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, giữa tham gia quá trình chuyển đối số và tiến tới đạt được các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số đặt ra là quá trình lâu dài, việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, mỗi người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số vẫn cần triển khai ngay những giải pháp cụ thể. Chìa khóa để đẩy nhanh sự chuyển đổi nhận thức nằm ở trong “nhận thức”, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

Thứ hai, phát triển hạ tầng số, nền tảng số: Tập trung phát triển hạ tầng số, nền tảng số là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Các thành phần của hạ tầng số phục vụ chính phủ số liên quan và tác động lẫn nhau, như kết nối liên thông phải đi cùng chia sẻ dữ liệu và phải được bảo đảm bởi pháp luật. Công tác xây dựng hạ tầng số là việc cần kiên trì, sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân từ trung ương đến địa phương

Thứ ba, phát triển ứng dụng số hóa (hoạt động số): Sự biểu hiện cụ thể của quá trình chuyển đổi số ở mỗi lĩnh vực chính là việc xác định mô hình chuyển đổi, lựa chọn các ứng dụng số (các phần mềm, dịch vụ CNTT, công cụ hỗ trợ…) để tổ chức hoạt số dựa trên các yếu tố hạ tầng số, nền tảng số, nguồn dữ liệu số, cơ sở pháp lý, đảm bảo an toàn, anh ninh thông tin, nguồn nhân lực…Việc phát triển ứng dụng số - hoạt động số cần được quan tâm triển khai thực hiện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung ưu tiên cho phát triển các ứng dụng số hóa trong hoạt động của chính quyền để đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số ở các địa phương

Toàn cầu hoá là xu hướng tất yếu, cuộc chiến trên thương trường không cho phép bất kỳ sự chậm trễ hay thiếu sót nào, nếu điều đó xảy ra, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước ta trong việc chuyển đổi số là điều đã được thể hiện xuyên suốt những năm qua, tuy nhiên nếu quá trình này không được nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện, không được thực thi đồng bộ và không có sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân thì rất khó thành công. 

Do đó Chuyển đổi số đang là mục tiêu, là chìa khoá cốt lỗi cho việc định hướng phát triển kinh tế - chính trị - văn hoá – xã hội và cũng là một bài toán vô cùng khó khăn mà Đảng và Chính phủ phải tìm ra lời giải nhanh nhất và hiệu quả đạt được phải là cao nhất. Có làm được điều này, Việt Nam mới có thể hướng đến những thành công lớn hơn trong thời đại Công nghiệp hoá – Hiện đại hoá, khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế. 

Nguyễn Văn Nhứt, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Phạm Viết Chánh, CN BIDV Ba Tháng Hai

 

.
.
.
.